Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ý Đảng hợp lòng dân
Toàn huyện Long Phú có 03 thành phần dân tộc cùng chung sống với tổng số trên 114.000 người, gồm 28.181 hộ, trong đó dân tộc Kinh trên 80.500 người, chiếm 70,61%; dân tộc Khmer 32.561 người, chiếm 28,56%; dân tộc Hoa 919 người, chiếm 0,81%. 03 dân tộc cùng chung sống đan xen với nhau, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ và sản xuất hàng hóa. Công tác bảo vệ và phát triển nông nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số đã được duy trì ổn định diện tích canh tác. Các chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất … đã tạo điều kiện trực tiếp cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo có điều kiện thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Đồng bào dân tộc thiểu số luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, nhất là cuộc vận động chung sức xây dựng nông thôn mới. Vai trò của các vị sư sãi, Achar, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, đại đa số các Chương trình, chính sách dân tộc đều thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ nhận thức của người dân cũng như của cán bộ cơ sở giữa các dân tộc, các vùng không đồng đều, cùng với các điều kiện tự nhiên, thiên tai diễn biến phức tạp, dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao, có sự chênh lệch thu nhập giữa các vùng, các dân tộc; kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo của hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn khá lớn … đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, hiệu quả của chính sách, gây cản trở không nhỏ cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu nói chung, đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Phú nói riêng. Bên cạnh đó, sự phối hợp lồng ghép các Dự án, chính sách vùng dân tộc thiểu số với nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác còn hạn chế; hình thức tổ chức quản lý, khai thác sử dụng các công trình sau đầu tư của cộng đồng còn yếu, nguồn duy tu, bảo dưỡng từ ngân sách Nhà nước khó khăn, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của Chương trình, Dự án (vì các chương trình cơ chế quản lý khác nhau, quy định việc đối ứng của người dân khác nhau).
Chú thích ảnh : Công trình thuộc chương trình 135 (giai đoạn II) dành cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Phú.
Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa vùng nông thôn và thành thị, giữa các dân tộc trên địa bàn, lãnh đạo UBND huyện Long Phú đề xuất các giải pháp : Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân tộc. Đặc biệt, cần thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư cho công tác xóa đói, giảm nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những khó khăn bức xúc của đồng bào dân tộc, trước hết tập trung cho những vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện nghiêm việc công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án đầu tư để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số , phát huy nội lực, sự phấn đấu vươn lên của người dân, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho đồng bào, đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền ở cơ sở, tăng cường việc sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán và chính sách phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng đồng bào dân tộc thiểu. Thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là ở những nơi chưa có người tham gia trong bộ máy hệ thống chính trị các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức quốc phòng, anh ninh cho cán bộ và nhân dân. Đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng chí Danh Hoàng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết : “ Từ thực tế thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 24 – NQ/TW ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc và 26 năm thực hiện Chỉ thị số 45 – CT/TW, ngày 23/09/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Tây Nam bộ đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân tộc, đó là : Tăng cường sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng đối với công tác dân tộc. Thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó phát huy sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc, các lực lượng xã hội. Cùng với tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, của các tổ chức kinh tế - xã hội trong nước và Quốc tế để thu hút đầu tư; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, gắn với nâng cao năng lực và tính chủ động công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở, chú trọng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc đối tượng, cập nhật thông tin thường xuyên về hộ nghèo, tình hình thực hiện các dự án, chính sách để có đủ căn cứ cho phục vụ công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành ở cơ sở. Gắn các chính sách dân tộc, dự án giảm nghèo với định hướng phát triển kinh tế địa phương và quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước và phát huy có hiệu quả công tác thi đua – khen thưởng, tạo ra động lực mạnh mẽ huy động cán bộ, nhân dân tích cực lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác.
Để phát huy hiệu quả chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Long Phú kiến nghị, các Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ thay đổi một số chính sách đã qua thực hiện thời gian dài, bằng những chính sách khác phù hợp thực tế hiện nay, tập hợp các chính sách hiện có, giảm đầu chính sách, tăng xuất đầu tư theo phương châm giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hình thức hỗ trợ sau đầu tư hoặc bằng hình thức cho vay, hỗ trợ lãi suất nhằm nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, ý thức vươn lên của các đối tượng hưởng lợi, đồng thời nâng cao tính ổn định, bền vững, hiệu quả, tính công bằng tạo ra sức lan tỏa của dự án trong cộng đồng.
Bài và ảnh : Sóc Ca.